Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Tại sao cả W lo ngại khi CH Síp đánh thuế lên tiền gởi.

Copy bài của anh Bgood trên VFPress.

(Vfpress.vn) Đảo Síp chỉ có dân số tương đương với khu Bronx của New York. Quy mô của tất cả các ngân hàng ở Síp cộng lại vẫn nhỏ hơn ngân hàng đứng thứ 30 ở Mỹ. Vậy tại sao các tin tức về hệ thống tài chính của Síp lại đang làm nghiêng ngả trang nhất của các báo trên khắp thế giới mấy hôm nay?
Câu trả lời là: bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi là một trong những khái niệm căn bản nhàm chán nhưng vô cùng phổ biến ngày nay. Câu chuyện của Síp thu hút sự quan tâm của mọi người chính bởi vì nó đặt dấu hỏi vào chính khái niệm thiêng liêng mang tên “bảo hiểm tiền gửi” này.
Bảo hiểm tiền gửi được phát minh từ một thực tế đáng sợ: ngay cả một ngân hàng buồn tẻ, bảo thủ nằm đâu đó ở thôn quê xa xăm, cũng tiềm ẩn trong nó những rủi ro điên loạn mang tính hệ thống. Một ngân hàng nhận tiền của khách hàng gửi vào tài khoản tiết kiệm hay tài khoản thanh toán của họ - những loại tài khoản có thể rút tiền bất cứ lúc nào - , rồi đem tiền đó đi cho những người cam kết sẽ trả lại trong vòng 30 năm vay tiền.
Đương nhiên là hầu như ai cũng nghĩ rằng tiền của họ rất an toàn khi nằm trong ngân hàng. Họ nghĩ rằng, bằng cách nào đó, ngay cả nếu như ngân hàng đem toàn bộ số tiền nằm trong các tài khoản thanh toán của khách hàng mang đi cho vay và không đòi lại được, ngay cả như vậy, thì tiền trong tài khoản của người gửi vẫn an toàn!
Điều ngạc nhiên nhất mọi thời đại đó là, người gửi đúng là vẫn cứ nhận lại được tiền của họ năm này qua năm nọ, từ Mỹ tới mọi nền kinh tế phát triển khác, chứng minh rằng cách nghĩ của họ là đúng đấy chứ!
Họ vẫn nhận lại được tiền chính bởi vì cái gọi là bảo hiểm tiền gửi. Các ngân hàng trả khoản phí cho bảo hiểm tiền gửi, mà hàm ý chính của nó là, khi một ngân hàng hết tiền, chính phủ cam kết sẽ nhảy vào thay ngân hàng trả lại tiền cho người gửi.
Nhưng có một giới hạn cho tỷ lệ mà bảo hiểm sẽ trả cho khoản tiền gửi. Ở Mỹ, nó là 250.000 $ / 1 tài khoản. Bất cứ đồng nào trên mức đó, chính phủ không quan tâm. Dưới mức đó, tài khoản của bạn được cho là an toàn, ít nhất cho đến khi toàn bộ hệ thống bảo hiểm tiền gửi đồ sộ còn vận hành.
Ở Síp, giới hạn chi trả cho bảo hiểm tiền gửi là 100.000 EUR. Ít nhất nó được cam kết như vậy. Nhưng vào cuối tuần rồi, chính phủ đã phá vỡ lời hứa căn bản này.
Chính phủ Síp tuyên bố một kế hoạch, qua đó họ dự định thu thuế 6,7% đối với mọi tài khoản, và 9,9% với những tài khoản trên 100.000 EUR, như là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo điều kiện đáp ứng cho kế hoạch cứu trợ tài chính của EU. (Tất nhiên kế hoạch này còn phải được thông qua quốc hội trong hôm nay, và có vẻ là chưa có gì chắc chắn)
Nói cách khác, những người gửi tiền thông thường sẽ không thể rút đủ tiền của họ ra khỏi tài khoản. Chẳng khác gì chuyện đột nhiên một buổi sáng, bạn thức dậy và phát hiện rằng một phần tiền trong tài khoản của bạn không cánh mà bay.
atm het tien o sip
Trong khi mọi sự chưa đâu vào đâu thì người dân Síp đang cực kỳ hoang mang. Và điều đáng chú ý là dường như sự việc đã phát đi một tín hiệu “gì đấy” cho người dân các nước Châu Âu khác. Nếu người dân Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha diễn dịch tín hiệu này theo cách tiêu cực, và đồng loạt rút tiền thì toàn bộ hệ thống tài chính Châu Âu sẽ sụp đổ!
Hiện tại, các ngân hàng ở Síp đang có nền tảng khác hẳn đồng nghiệp của họ ở các nước Châu Âu khác. Trong nhiều năm trời, Síp đã trở thành một dạng thiên đường ngân hàng offshore, đặc biệt là cho những đại gia người Nga. Chắc chắn vấn đề rửa tiền là nghiêm trọng. Hàng tấn tiền chảy vào các ngân hàng ở Síp. Và rồi nguồn tiền này được bơm cho Chính phủ Síp và nền kinh tế Síp thông qua các khoản vay. Nều mô hình này gãy, nó sẽ kéo theo toàn bộ nền kinh tế Síp xuống bùn.
Cơ hội tốt vẫn còn khi mà người dân các nước Châu Âu khác vẫn coi Síp như một ốc đảo mà nền kinh tế của nó chẳng có liên quan gì tới phần còn lại của Châu Âu, và rằng kịch bản đề cập ở phần trước sẽ không bao giờ xảy ra với Tây Ban Nha, Ý hay Bồ Đào Nha. Cũng còn cơ hội cho khả năng dự luật kia của Chính Phủ Síp sẽ được điều chỉnh bớt sốc, hoặc giả nó sẽ chỉ giới hạn ở những khoản nằm ngoài đối tượng tiền được bảo hiểm.
Dù thế nào đi chăng nữa, thì sự kiện Síp trong những ngày qua đã nhắc nhở mọi người về một khả năng nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bạn gửi tiền vào ngân hàng, không gì đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ lấy được tiền ra!

Bổ sung thêm bài trên VNExpress.

Putin lo 20 tỷ euro tiền gửi ở Síp

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Síp là "bất công, nghiệp dư và nguy hiểm", người phát ngôn của điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết.
>Dân Síp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng
>Síp trông chờ 5,8 tỷ USD từ kế hoạch đánh thuế tiết kiệm

Nhận xét trên được đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp của ông Putin với nội các và nhóm cố vấn kinh tế ngày hôm qua (18/3). Tầng lớp thượng lưu Nga đang để khoảng 20 tỷ euro tại Síp, tương đương hơn một phần ba tiền gửi của người nước ngoài tại đây. Khoản tiền trên đã giúp hệ thống ngân hàng Síp phát triển khá vững chắc.
Chỉ riêng nhà băng lớn thứ hai của Nga - VTB đang có 10,4 tỷ euro (13,5 tỷ USD) tại Síp thông qua các chi nhánh. Theo AFP, VTB có thể mất khoảng một phần mười số tiền trên. Ngân hàng này cho biết: "VTB đang theo dõi sát tình hình này. Chúng tôi chỉ có thể đánh giá hậu quả sau khi đã nghiên cứu kỹ điều luật".
Tổng thống Putin cho rằng thuế tiền gửi của Síp rất nghiệp dư. Ảnh: AP
Tổng thống Putin cho rằng thuế tiền gửi của Síp là "nguy hiểm". Ảnh: AP
Khi ngành du lịch Síp bùng nổ, hàng ngàn người Nga đã kéo đến đây do mối quan hệ lâu dài giữa hai nước trong hàng thập kỷ. Rất nhiều người đã định cư hoặc mua nhà tại Síp. Thành phố Limassol, trung tâm tài chính của Síp, cũng được gọi là "Lima-grad". Ở đây có những cửa hàng sang trọng dành riêng cho người Nga, các công ty cho thuê nhiều xe Porches hơn là Fiat Pandas và ba tờ báo riêng bằng tiếng Nga.
Động thái của Síp đã bị chỉ trích rộng rãi do lo ngại việc này sẽ tạo ra tiền lệ với các nước châu Âu khác. Mark Bayley, chiến lược gia tại công ty tư vấn Aquasia cho biết việc này đã tạo ra một "tiền lệ nguy hiểm" và "đánh bẫy người gửi tiền". Ông giải thích: "Nỗi sợ hãi sẽ lan ra khắp giới đầu tư và khuyến khích những người gửi tiền tại các nước vùng rìa châu Âu chuyển tài sản sang nơi khác an toàn hơn, như Đức hay thậm chí là đặt dưới gối".
Trong một báo cáo, Barclays cũng cho biết thuế này là một "điềm gở" của gói cứu trợ. Lars Seier Christensen, CEO Ngân hàng Saxo ở Đan Mạch cho biết: "Nếu có thể làm một lần, anh sẽ làm lần thứ hai".
Cuối tuần trước, Cộng hòa Síp, quan chức eurozone, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đồng ý gói giải cứu 10 tỷ euro cho hệ thống tài chính nước này. Đổi lại, người dân Síp sẽ phải đóng thuế tiền gửi lên tới 10% đối với khoản tiền trên 100.000 euro và 6,75% nếu ít hơn.
Síp là nước thứ 5 trong eurozone sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha cần cứu trợ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tiền gửi của người dân bị đánh thuế để hỗ trợ gói giải cứu.
Theo dự kiến, Quốc hội Síp sẽ tiến hành bỏ phiếu về yêu cầu này ngày hôm qua (18/3). Tuy nhiên, cuộc họp đã tiếp tục bị lùi sang sang trưa hôm nay (19/3). Síp đã chặn tất cả các giao dịch ngân hàng, trong đó có giao dịch điện tử, và hệ thống nhà băng cũng sẽ đóng cửa hết hôm nay.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét